Chúng ta có thể tự hào bởi những trang sử hào hùng và kiêu hãnh, nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát của dân tộc mình.
Những câu chuyện bi thương
Trong Viện Sử học Việt Nam có lưu bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4/1945 tả về thảm cảnh nạn đói 1945: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.
Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.
Theo thống kê của Viện Sử học, số người chết trong nạn đói Ất Dậu lên tới 2 triệu người. Nạn đói xảy ra trên diện rộng, từ Quảng Trị trở ra Bắc Kỳ. Mở lại những trang hồ sơ về sự kiện bi thảm ấy, cũng không còn nhiều câu chuyện cụ thể được ghi chép lại.
Nạn đói năm Ất Dậu - 1945. |
Nạn đói xảy ra trên địa phận tỉnh Thái Bình là khủng khiếp nhất. Cảnh chết đói diễn ra khắp nơi trong tỉnh, nhất là các huyện phía nam.
Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi lang thang ăn xin rồi chết ở đầu đường xó chợ. Nhiều gia đình chết không còn một ai. Nhiều làng chết đói từ 50 đến 80% dân số. Chỉ trong vòng 5 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh lên đến 28 vạn người, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn tỉnh.
Chúng ta có thể tự hào bởi những trang sử hào hùng và kiêu hãnh, nhưng chúng ta cũng không thể quên đi những đau thương, mất mát của dân tộc mình. Hiện tại, cũng không mấy người còn hình dung ra những thảm cảnh kinh hoàng 70 năm trước.
Mùa thu năm 2014, tôi lên đường tìm lại những dấu tích cũ, những nhân chứng sống của nỗi đau lịch sử đó. Thái Bình giờ thay da đổi thịt, làng quê khang trang như phố thị, người xe nườm nượp, đầy tiếng trẻ nô cười. Có ai ngờ rằng, nơi đây từng là địa ngục trần gian.
Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về những số liệu của thời kỳ đau thương ấy, nhà sử học Đặng Đình Hùng, một nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù sinh sau nạn đói gần 10 năm, nhưng ông vẫn được nghe, được kể rất nhiều về nạn đói. Những câu chuyện, những con số của nỗi đau năm 1945 vẫn luôn ám ảnh ông.
Khi vụ mùa gần như mất trắng, cộng thêm thiên tai, vỡ đê, dân Thái Bình rơi vào nạn đói kéo dài từ tháng 8 năm Giáp Thân (1944) sang đến những tháng đầu năm Ất Dậu (1945).
Trong khi đáng lẽ phải cứu đói khẩn cấp thì chính quyền phát xít Nhật lại thực hiện chính sách thu mua thóc tạ thời chiến. Họ tỏa về các làng xã thu vét thóc gạo.
Vào cuối 1944, khi chiến tranh thế giới thứ 2 đi vào giai đoạn quyết liệt, Nhật – Pháp chuẩn bị chiến tranh, bọn đế quốc càng ráo riết tích trữ các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là lương thực thực phẩm.
Đến đầu năm 1945, nạn đói bùng nổ khi dân chúng không còn bất cứ cái gì để ăn, thóc gạo cũng hết, ăn sạch cả củ sắn, củ mài, nhặt cỏ rau má ăn, củ chuối cũng đào hết.
Những bức ảnh ghi lại thời kỳ đau thương trong lịch sử dân tộc. |
Thời kỳ đó, không ai còn nghĩ đến ai cả, họ hàng, bố con, anh em bỏ nhau hết, con đến nhà bố thì bố đóng cửa không cho vào, bố đến nhà con thì con không nhận, vì quá đói, sợ đến lại không còn cái gì để ăn.
Người ta bắt đầu đổ ra ngoài, tìm mọi cách để giành giật lấy mọi thứ có thể cho vào mồm. Có lẽ không lời nào có thể tả hết được thảm cảnh đó. Lúc cao điểm, ở các con đường, người chết lẫn người sống nằm la liệt, hoặc không thì bò lê bò lết, đói quá không ai còn sức đứng dậy nổi.
Rất nhiều trẻ con nằm chết, bởi bố mẹ sinh ra không nuôi nổi đành bế ra đường bỏ. Một cụ già ở xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) kể rằng, ông nhớ mãi hình ảnh 2 mẹ con nằm ngay bên vệ đường trong lần ông đi mua rượu cho địa chủ, mẹ chết trước, con ánh mắt đờ đẫn cứ nằm trên bụng mẹ bú vào cặp vú, là mẩu da nhỏ dính trên bộ ngực toàn xương xẩu.
Cây số 3 trên đường từ Thái Bình đi Hà Nội, nay là một khu vực sầm uất, hàng quán san sát, chỉ có một cột mốc cũ kỹ bên vệ đường. Thời nạn đói xảy ra, ở đó đã từng có hàng vạn người đói rách quằn quại tụ tập ở đây với hy vọng có thể tìm được một con đường sống.
Cây số 3 trong nạn đói Ất Dậu 1945. |
Câu chuyện được nhà sử học Đặng Đình Hùng ghi chép: Có người đàn ông đi làm thuê, bốc vác, ông có mang theo mấy củ khoai cùng với nắm cơm. Gọi là cơm nhưng thực ra là cám trộn với một ít gạo, một ít rau, trấu... làm lương thực ăn dọc đường. Lúc về qua địa phận đó, xung quanh là những con người nằm im bất động, sống hay chết cũng không biết. Mệt quá nên ông đành ngồi lại nghỉ ngơi, vừa mới móc tý lương thực ít ỏi ra thì bất thần những thây ma ngóc đầu dậy, rồi xúm vào vồ lấy nắm cơm.
Có một người giật được, cho ngay vào mồm, nhưng chưa kịp nuốt thì đã bị những kẻ khác dùng tay bóp nghẹt cổ họng, thè cả lưỡi và rơi miếng cơm ra. Cả nhóm lại nhảy vào xâu xé cái miếng cơm ít ỏi đó...
Bảo tàng tỉnh Thái Bình trông thật khang trang, bề thế. Cạnh đó là những công trình, nhà cửa san sát, những dấu tích cũ cũng đã biến mất. Nhưng cách đây gần 70 năm, đó là một cửa hàng nhỏ do những thân hào, nghĩa sỹ yêu nước đứng ra thành lập. Họ vận động những nhà giàu có trong vùng quyên góp để cứu đói. Nơi đây, các nghĩa sĩ đã nấu cháo phát chẩn. Dù lượng cháo quá ít ỏi nhưng đó là niềm hy vọng sống nhỏ nhoi của hàng vạn con người đang lay lắt từng ngày.
Mỗi người được một bát nhỏ, toàn nước cháo loãng, có tý gọi là chất gạo. Nhưng ai nhận được cháo phát chẩn mà ăn ngay tại chỗ thì còn được vào người, được an toàn, chứ chỉ cần bê tô cháo quay ra ngoài, ra khỏi hàng là y như rằng bị cướp.
Thậm chí, lúc giằng co bát cháo rơi xuống, có người ngay tức khắc nằm ra để hứng, không hứng được, họ cào cả lớp đất vừa ngấm tý nước gạo cho ngay vào mồm. Có người rách lưỡi, rách họng vì nuốt vội cả mảnh bát vỡ.
Vể sau, người ta gọi địa điểm đó là Nhà máy cháo, ký ức về một thời đau thương của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét